Tìm kiếm

Khoa học Công nghệ

Khoa học Công nghệ

Khoa học Công nghệ

Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch, quản lý chung cư và khu đô thị

Sáng 15/10, TP.Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch, quản lý chung cư và khu đô thị trên địa bàn thành phố.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. (ảnh dưới)

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.VũngTàu (ảnh dưới) cho biết, hiện TP.Vũng Tàu đang tập trung vào 3 trụ cột chính Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó việc vận động tuyên truyền thúc đẩy các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng hơn, tối ưu hóa các giải pháp quản lý phát triển kinh doanh của các đơn vị.

Các đại biểu, đại diện các đơn vị kinh doanh lĩnh vực công nghệ số đã tham gia thảo luận, tham luận về các giải pháp công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động quản lý kinh doanh lĩnh vực nhà hàng - khách sạn; quản lý các chung cư, khu đô thị; trong công tác triển khai hệ thống camera ứng dụng AI trong quản lý, giám sát các tòa nhà, bãi xe và nhận diện biển số.          

Ngoài ra, các đơn vị có mô hình thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động kinh doanh và quản lý khách sạn nhà hàng.

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, tại khu triển lãm chuyển đổi số, các đại biểu đã thăm quan, trải nghiệm và tìm hiểu các sản phẩm ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực: quản lý khách sạn; nhà hàng; chung cư; khu đô thị; hệ thống camera an ninh và một số sản phẩm khác. (ảnh dưới)

Gian hàng giới thiệu sản phẩm mô hình điểm du lịch ảo

Gian hàng giới thiệu mô hình ứng dụng công nghệ số trong

lĩnh vực điện chiếu sáng khách sạn, resort

Tin, ảnh: NGUYỄN THI (Theo Báo BR-VT)

Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số

Hòa cùng tinh thần chuyển đổi số theo Đề án Phát triển thanh toán không tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, từ đầu tháng 4/2022, chương trình “Tuổi trẻ Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong chuyển đổi số” đã được Tỉnh Đoàn triển khai. Vượt qua  những khó khăn, chương trình đã mang lại những hiệu ứng tích cực.

SV tham gia ngày hội “Không tiền mặt” quét mã thanh toán khi mua hàng.

 

Tuyên truyền chuyển đổi số

Từ đầu tháng 4/2022, Hội Sinh viên tỉnh đã phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số, trong đó chú trọng nội dung thanh toán không dùng tiền mặt đến nhóm HS-SV; tổ chức cài đặt miễn phí, hướng dẫn sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán qua thẻ cho HS-SV các trường ĐH, CĐ, THPT, THCS. 

Được các ĐVTN tư vấn, hướng dẫn cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và tuyên truyền về lợi ích của việc không sử dụng tiền mặt, em Phạm Hoàng Long, SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Em thường mua đồ trên các trang Lazada, Shopee và cũng tìm hiểu về hình thức chuyển khoản trực tiếp thay vì đưa tiền mặt. Được các anh chị hướng dẫn, em đã cài đặt app và thanh toán online. Ứng dụng này rất hay, tiện lợi và phù hợp với xu thế mới hiện nay”.

Ở chặng thứ 2, từ giữa tháng 5/2022, đoàn cơ sở các cấp đã thành lập đội hình tình nguyện chuyển đổi số để tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đến ĐVTN và người dân.

Chị Văn Thanh Hiệp, Bí thư Thành Đoàn Bà Rịa cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn như: nhiều người đã lớn tuổi, không sử dụng smartphone, một số người e ngại về tính bảo mật thông tin, thích cầm tiền trên tay hơn tiền trong tài khoản, không nhớ các bước thanh toán…

Cũng gặp khó khăn tương tự, anh Trần Văn Chí, ĐVTN xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cho biết, người dân xã Hòa Hưng đa phần sinh sống bằng nghề nông nên nhiều người chưa tiếp xúc với công nghệ. ĐVTN, thanh niên tình nguyện phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Chi nhánh Xuyên Mộc đến nơi tư vấn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, giải thích, hướng dẫn cho bà con hiểu về cách sử dụng và những tiện ích mang lại nhưng nhiều người không mấy mặn mà.

Anh Đỗ Anh Bình, ĐVTN đến từ Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay, đa phần người dân lo lắng, sợ bị lộ thông tin cho bên thứ ba. Tiếp đến là cước phí hàng tháng khi sử dụng dịch vụ. “Đại diện các ngân hàng đã giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu về chính sách bảo mật, chính sách ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn khi cài đặt và sử dụng ứng dụng. Những tiện ích, quyền lợi của người sử dụng, từ đó lượt người tải app, cài đặt và sử dụng không ngừng tăng lên”, anh Bình cho biết.

ĐVTN TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) tuyên truyền, vận động tiểu thương chợ Ngãi Giao tải, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiệu ứng tích cực

Trong hơn 2 tháng phát động ĐVTN và các ngân hàng tập trung vào những nội dung: tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số trong đó tập trung vào thanh toán không dùng tiền mặt; phối-kết hợp với các quỹ tính dụng, ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến ĐVTN, HS, người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả hơn 10.000 lượt ĐVTN đã ra quân tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào các ngày cuối tuần tại từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã tác động mạnh mẽ đến ĐVTN, HS, SV, qua đó có hơn 30.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được mở trong các đối tượng trẻ; hơn 1.000 mã QR thanh toán không dùng tiền mặt được cấp cho các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hơn 80% đoàn viên thuộc khối công chức, lực lượng vũ trang đã cài đặt, sử dụng các hình thức ngân hàng điện tử, ví thanh toán điện tử. ĐVTN các địa phương và các cơ quan cũng phối hợp vận động hơn 1.000 hộ kinh doanh vận hành điểm thanh toán bằng mã QR.

Anh Nguyễn Trọng An, người dân TP.Bà Rịa cho biết, gia đình anh kinh doanh các mặt hàng gia dụng nhiều năm qua. Được ĐVTN phối hợp với ngân hàng đến tận nhà tư vấn, tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, anh đã hiểu và tham gia: “Lúc đầu tôi cũng không hiểu chuyển đổi số là gì nhưng được các bạn tư vấn tôi đã hiểu. Nhiều lúc bận rộn hoặc không có tiền mặt cầm trên tay thì hình thức thanh toán này rất tiện lợi. Hơn nữa các ngân hàng đều có chính sách ưu đãi, khuyến mãi nên không lo về cước phí phải thanh toán”.

Còn chị Phạm Thị Uyên, người dân xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cho biết, các siêu thị họ đã áp dụng hình thức thanh toán không sử dụng nhiều năm, nhưng hình thức này vẫn chưa phổ biến trong nhân dân. Khi các bạn trẻ cùng đại diện ngân hàng phối hợp đi đến từng hộ kinh doanh hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, người dân hiểu rõ hơn và tham gia. “Việc cầm điện thoại quét mã thanh toán rất tiện lợi. Hình thức thanh toán này cần được phổ biến rộng rãi hơn thay cho sử dụng tiền mặt. Tôi rất ủng hộ và chuyển qua thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên hơn”, chị Uyên nói.

Chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn đánh giá: “Tỉnh Đoàn đã thành lập đội hình tình nguyện Chuyển đổi số phối hợp cùng tổ chuyển đổi số ở địa bàn dân cư. Trong đó có các thành phần là tổ chức đoàn thể tạo niềm tin để người dân ủng hộ, thực hiện chủ trương. Chúng tôi sẽ bàn giao lại nội dung khảo sát nhu cầu cho ngân hàng có liên quan để đến tận nhà người dân cài đặt. Đoàn thanh niên sẽ là cầu nối với người thân, gia đình để tiếp tục tuyên truyền thực hiện chương trình”.

Bài, ảnh: MAI NGỌC (Theo Báo BR-VT)

***Giai đoạn 2021-2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu: hơn 75% người dân 15 tuổi trở lên sử dụng íT nhất 1 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Ngày 19/6, ngày hội “Không tiền mặt” do Tỉnh Đoàn tổ chức đã thu hút hơn 300 ĐVTN các trường ĐH, CĐ, THPT tham gia. Tại sự kiện này, Hội Sinh viên tỉnh và Ví điện tử Momo đã ký kết hợp tác thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, với mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2022, có ít nhất 25.000 HS, SV, công nhân viên, hộ kinh doanh mở tài khoản ví điện tử.***

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Nghĩ về "chợ 4.0"

Chuyển đổi số và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là đề tài được nhiều người dân TP.Vũng Tàu bàn luận, chia sẻ dạo gần đây. Không có gì lạ khi thành phố biển đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số, mô hình chợ 4.0 trên địa bàn.

Sôi nổi hơn cả có lẽ là các bà nội trợ và chị em tiểu thương các chợ phường 7, phường Thắng Nhất, chợ hải sản Nguyễn Công Trứ và chợ Vũng Tàu, những nơi được thành phố triển khai mô hình chợ 4.0 thông qua hệ sinh thái thương mại tài chính số Viettel Money mà trọng tâm là việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Với hơn 70% dân số có điện thoại thông minh, TP.Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn hoàn thành việc chuyển đổi số; đến cuối năm 2022 phấn đấu đạt 100% CBCC, người lao động thuộc chính quyền thành phố có tài khoản thanh toán điện tử hoặc ví điện tử, 65-70% dân số thành phố từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, hướng tới nền thương mại không dùng tiền mặt, nâng cao hiện đại hóa trong buôn bán lẻ, góp phần xây dựng TP.Vũng Tàu trở thành đô thị thông minh toàn diện.

Một lãnh đạo phường ở TP.Vũng Tàu nói vui mà rất chí lý rằng, phụ nữ chiếm hơn một nửa trong xã hội, phần lớn lại giữ vai trò “tay hòm chìa khoá” của gia đình. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nữ giới mà trước hết là các bà nội trợ và chị em tiểu thương thì mô hình chợ 4.0 nhất định sẽ sớm “phủ sóng” TP.Vũng Tàu. Một khi người bán lẫn người mua quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt thì việc áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn thành phố sẽ thuận lợi dễ dàng.

Thế nhưng, có một thực tế là ở những nơi đang triển khai mô hình chợ 4.0, tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn còn cao. Dù nhiều tiểu thương đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money, còn khách hàng đã được cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm thanh toán trên điện thoại, số người thanh toán bằng cách quét mã QR vẫn chưa nhiều.

Những “trục trặc” mà các chợ 4.0 thí điểm ở TP.Vũng Tàu gặp phải không phải là cá biệt. Tại TP.Đà Nẵng, sau hơn 2 tuần ra mắt mô hình chợ 4.0 tại chợ Cồn và chợ Hàn, việc thanh toán bằng cách quét mã qua Viettel Money vẫn chưa như mong đợi. Nhiều tỉnh, thành khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Với hơn 300 tiện ích và mạng lưới điểm giao dịch ngày càng mở rộng, Viettel Money cho thấy là một hệ sinh thái thương mại, tài chính số với nhiều tính năng và lợi thế cạnh tranh ưu việt so với các phương thức thanh toán khác trên thị trường. Rào cản chính đến từ thói quen thích trả bằng tiền mặt của khách hàng và để thay đổi thói quen này cần phải có thời gian.

Mô hình “chợ 4.0” là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, tiêu biểu cho lối tiêu dùng thông minh, giúp nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong từng giao dịch. Hơn thế nữa, nó còn tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Để chợ 4.0 sớm hình thành, điều cần làm vào lúc này là đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt - nhất là vấn đề an toàn thông tin, bảo mật của dịch vụ tài chính số để người dùng yên tâm, cởi mở hơn với các ứng dụng hỗ trợ thanh toán.

Để thói quen không dùng tiền mặt ăn sâu trong tiềm thức của người dân, cần thiết có thể xây dựng, triển khai một chương trình giáo dục cộng đồng về thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này. Tư duy truyền thống “cầm tiền trong tay là an toàn nhất” chính là nguyên nhân khiến một bộ phận người dân chưa cảm thấy an tâm khi đến với chợ 4.0.

Các ứng dụng thanh toán cần mang đến nhiều tiện ích, giúp việc thanh toán đơn giản, dễ dàng và an toàn hơn cho cả người bán lẫn người mua đúng với phương châm “Nhận tiền hàng nhanh - Dễ dàng nạp rút”. Tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại tặng quà cho khách hàng đi chợ tham gia trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt từ ứng dụng Viettel Money cũng là cách thu hút người dân đến với chợ 4.0 một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, góp phần chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nguồn: NGUYỄN TRIỆU HẢI (baobariavungtau.com.vn)

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Sáng kiến của những "nhà khoa học nhí"

Tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm 2020-2021, các em HS phổ thông đã đem đến những ý tưởng độc đáo, nhưng cũng rất thiết thực, thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo, chịu khó tìm tòi của những “nhà khoa học nhí”.

 
Ban Tổ chức cuộc thi trao giải Nhất cho các tác giả và nhóm tác giả.
Nhiều ý tưởng thiết thực

“Thiết bị đo và phát hiện sớm chứng cong vẹo cột sống ở trẻ em” của nhóm tác giả Võ Ngọc Minh Phương, Nguyễn Đỗ Quỳnh Nguyên (HS lớp 11A1, Trường THPT Châu Thành, TP. Bà Rịa) là một trong những sản phẩm nổi bật tại cuộc thi năm nay. Sản phẩm không chỉ đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm 2020-2021 cấp tỉnh, giải Ba toàn quốc, mà còn xuất sắc giành giải Nhất bảng B tại “Ngày hội ứng dụng công nghệ 4.0” năm 2021 do Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT, NVHTN tỉnh và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện sản phẩm này, tác giả Võ Ngọc Minh Phương cho hay: “Hiện nay, chứng vẹo cột sống ở trẻ em là vấn đề đang rất được quan tâm. Bởi nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống sau này của trẻ. Trước thực trạng đó, chúng em đã lên ý tưởng và cho ra đời thiết bị có thể đo và phát hiện sớm chứng vẹo cột sống sau gần 7 tháng nghiên cứu”. Ưu điểm vượt trội của thiết bị là chi phí rất thấp, chỉ khoảng từ 5-7 triệu đồng, có cảm biến sử dụng tia hồng ngoại, nên không ảnh hưởng tới sức khỏe người đo như phương pháp chụp X-quang. Ngoài ra, thiết bị này khá gọn nhẹ, bền đẹp vì có lớp bảo vệ bên ngoài bằng mica nên có thể dễ dàng vận chuyển, thực hiện đo nhanh.

Đại diện nhóm tác giả cho biết thêm, thiết bị gồm laptop để lập trình và xử lý số liệu, màn hình hiển thị nội dung, cảm biến Kinect có khả năng nhận diện được khung xương của người kiểm tra và máy in để xuất kết quả. Khi hoạt động, trên giao diện của thiết bị sẽ cho phép nhập thông tin, địa chỉ của người được đo. Người được đo đứng phía trước thiết bị, trong vùng chỉ định. Sau đó, người điều khiển thiết bị bấm nút “Xuất kết quả”, phiếu kết quả sẽ được in ra. Theo Minh Phương, đại diện nhóm tác giả, sau khi hoàn thiện, thiết bị đã được thực nghiệm tại nhiều trường MN, TH, THCS trên địa bàn tỉnh. Nhóm đã thực hiện đo 2 lần cho hơn 500 HS. Kết quả đo không có sự sai lệch khi đối chiếu với kết luận của bác sĩ chuyên khoa.

Cùng với “Thiết bị đo và phát hiện sớm chứng cong vẹo cột sống ở trẻ em”, còn có không ít sản phẩm gây ấn tượng với Ban Giám khảo bởi sự độc đáo, mới lạ, như: “Cây ATM khẩu trang”, “Khu nhà vượt lũ”, “Thiết bị điểm danh HS thông minh”, “Hệ thống lọc nước thải trong phòng thí nghiệm”…

Với sản phẩm “Cây ATM khẩu trang”, nhóm tác giả Phan Văn Duy, Nguyễn Phan Tấn Lộc (HS lớp 9A2, Trường THCS Trần Đại Nghĩa, TP. Bà Rịa) mong muốn đóng góp một phần sức lực của mình cùng đội ngũ y, bác sĩ và cả cộng đồng trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cây ATM khẩu trang do các em chế tạo có giá thành chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng có thể thay thế con người trong việc cấp phát khẩu trang, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

Em Phan Văn Duy, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trên thị trường Việt Nam, các cây ATM khẩu trang đều vận hành hoàn toàn bằng lực hút khí nén, sau đó dùng cơ cấu phức tạp đưa ra ngoài. Còn sản phẩm do các em tạo ra lại dùng lực hút từ tính để gấp khẩu trang, rồi dùng cơ cấu xi lanh điện đơn giản để đưa ra ngoài nên giá thành thấp hơn, ít gây tiếng ồn. Không chỉ vậy, sản phẩm còn tích hợp cả chức năng sát khuẩn tự động. Sản phẩm được cấu tạo từ các linh kiện chủ yếu như: xi lanh điện 2 chiều, cảm biến hồng ngoại IR E18-D80NK, Arduino Nano, màn hình LCD, còi chip, đèn led báo hiệu…

Cuộc thi năm nay còn có sự góp mặt của 17 sản phẩm do các em HS TH thực hiện. Trong đó, đáng chú ý có “Khu nhà vượt lũ” của nhóm HS: Lê Nguyễn Kim Ngân, Hoàng Tiến Đạt, Nguyễn Hoàng Minh, Danh Thành (lớp 3E, Trường TH Long Hương, TP. Bà Rịa). Ý tưởng của các em là tạo nên một khu nhà bằng vật liệu nhẹ, cứng, không thấm nước, gắn phao ở dưới, được “neo” vào 4 chiếc cột sắt hoặc bê tông đã được chôn cố định ở 4 phía bằng dây xích. Khu nhà có thể nổi lên khi có lũ, giúp người dân tránh được nguy hiểm, phần nào thích ứng với biến đổi khí hậu. Các em đã mô phỏng ý tưởng của mình bằng một mô hình nhỏ được tạo nên từ những nguyên liệu tái chế…

Với mô hình này, khu nhà làm bằng các thanh nhôm và tấm xốp cứng, bên dưới có gắn phao làm từ những chiếc can nhựa, xung quanh là hàng rào làm bằng quen kem gỗ, cột cổng, trụ tường, cột néo làm bằng ống nhựa đã qua sử dụng... Em Lê Nguyễn Kim Ngân cho biết: “Khu nhà này sẽ tự động nổi lên khi có lũ. Bốn chiếc cột ở 4 góc có tác dụng giúp cho nhà không bị trôi. Người dân vẫn có thể sinh sống bình thường, tránh được những thiệt hại về tính mạng và tài sản khi lũ tràn về”. Sản phẩm dự thi của các em tuy còn sơ khai nhưng lại được đánh giá cao về mặt ý tưởng và sự sáng tạo.

Cần “ươm mầm” những ý tưởng sáng tạo

Ông Nguyễn Ngọc Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Cuộc thi cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền và tiếp nhận hồ sơ cũng như công tác chấm thi. Song được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và các bậc phụ huynh, cuộc thi năm nay không chỉ tăng về số lượng mà còn cả chất lượng của các sản phẩm dự thi. “Nhiều sản phẩm thể hiện được tính mới, sự sáng tạo và tính ứng dụng vào thực tiễn”, ông Nguyễn Ngọc Nguyện nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyện cũng chỉ ra những hạn chế nhất định như số đơn vị và số HS tham gia của các địa phương, các đơn vị chưa thực sự đồng đều. HS dự thi hầu hết tập trung tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa. SV các trường ĐH, CĐ, TC chuyên nghiệp trên địa bàn không có sản phẩm dự thi. Ngoài ra, một số sản phẩm còn sơ sài, mang tính hình thức, chưa thực sự chú trọng vào việc tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và phát triển ý tưởng thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyện cho rằng, để chất lượng cuộc thi ngày càng được nâng lên, trở thành “vườn ươm” cho những tài năng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các ban, ngành, đơn vị có liên quan trong công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các em thanh, thiếu niên tham dự cuộc thi. Cùng với đó, các thầy cô giáo, phụ huynh HS cần động viên, khuyến khích, định hướng, khơi dậy ý tưởng sáng tạo của HS, của con em mình, cũng như hỗ trợ các em hoàn thiện sản phẩm dự thi. Đặc biệt, ngành giáo dục, Sở KH-CN cần tạo cơ hội cho những sản phẩm có tính ứng dụng cao có cơ hội phát triển, ứng dụng vào thực tiễn.

Nguồn: Baobariavungtau.com.vn

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Chuyển đổi số phải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại diễn đàn Quốc gia phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ III. Diễn đàn do Bộ TT-TT phối hợp với Báo điện tử Vnexpress tổ chức vào ngày 11/12 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu tại UBND tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Tại đầu cầu tỉnh BR-VT, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT, các sở, ngành và đại diện các DN thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã tham dự.

Diễn đàn phát triển DN công nghệ số Việt Nam là sự kiện thường niên hàng đầu đối với cộng đồng các cơ quan nhà nước, các DN, tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao, công nghệ số. Diễn đàn là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm ngàn DN công nghệ Việt Nam.

Chương trình diễn đàn gồm 2 phiên tham luận chính bàn về DN công nghệ số giải các bài toán chuyển đổi số quốc gia và DN công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch COVID-19. Cũng tại diễn đàn, Bộ TT-TT công bố và trao giải thưởng sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam năm 2021” nhằm tôn vinh các DN, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Theo đó, mọi chính sách phải hướng tới người dân, DN. Người dân và DN tham gia vào quá trình chuyển đổi số, trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”. Thủ tướng yêu cầu, chuyển đổi số phải tham gia vào việc phát triển cả chiều rộng, chiều sâu và phát triển bền vững. Trong đó, chuyển đổi số phải tham gia vào phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào thích ứng, chống biến đổi khí hậu; khắc phục sự cạn kiệt tài nguyên; góp phần vào chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch; phục vụ chuyển đổi phương thức làm việc, giáo dục, đào tạo; khắc phục sự già hóa dân số; xây dựng cơ sơ dữ liệu liên quan đến giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, đất nước, con người Việt Nam; thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, cơ sở dữ liệu quản lý, khai thác đất đai, logistics... với mục tiêu lớn nhất là phục vụ cho cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc, đất nước ngày càng thịnh vượng, hùng cường.

Nguồn: Baobariavungtau.com.vn

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức hoạt động trong sinh viên

Nhắc tới Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN), mọi người thường nói tới những phong trào đã thành thương hiệu như: Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, Chiến dịch tình nguyện Hè, các sân chơi khởi nghiệp - sáng tạo… Trong hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội SVVN tỉnh BR-VT lần thứ II, nhiệm kỳ 2018-2023 tổ chức vào ngày 11/12, các đại biểu đã góp ý để các phong trào này được phát huy nhiều hơn, thu hút SV tham gia cống hiến.

 
SV ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia dọn rác làm sạch biển Bãi Sau, TP.Vũng Tàu.

Chuyển đổi hình thức hoạt động

Chị Phan Thị Thùy Linh, Ủy viên BCH Hội SVVN Trường CĐ Sư phạm BR-VT chia sẻ, mỗi năm, Đoàn Thanh niên, Hội SV của Trường luôn đưa ra các giải pháp, tạo môi trường cho SV tham gia phong trào “SV 5 tốt”, như: Tổ chức hoạt động về nguồn; xây dựng kế hoạch tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phối hợp tổ chức giao lưu văn nghệ; phát động CLB tiếng Anh tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn quốc; CLB khởi nghiệp hướng dẫn SV khởi nghiệp; CLB bóng đá, bóng rổ, cầu lông... tập hợp những SV yêu thích thể thao tham gia lựa chọn bộ môn yêu thích. Bên cạnh đó, các SV của trường được khuyến khích tham gia chương trình Mùa hè xanh, ôn luyện kiến thức cho HS vùng xa... “Mỗi CLB, đội, nhóm tập trung vào một mảng cụ thể, gắn với sở thích, sở trường trên cơ sở phát huy trí tuệ của các thành viên nên công tác tổ chức hoạt động rất thực chất và hiệu quả. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được nâng cao chất lượng, các hoạt động tình nguyện được tổ chức thường xuyên, rộng khắp. Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chúng tôi tổ chức các hoạt động qua hình thức online”, chị Linh cho hay.

Anh Trần Văn Thức, Chủ tịch Hội SVVN Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu có gần 30 CLB học thuật, sở thích. 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều CLB truyền thống như: CLB văn nghệ, CLB thể thao... phải tạm dừng hoạt động trực tiếp, chuyển sang hoạt động trực tuyến. Tận dụng lợi thế mỗi SV đều có tài khoản Microsoft Team, BCH Hội SV đã trực tiếp chỉ đạo các CLB tiến hành các hoạt động online cho SV. Các Câu lạc bộ đã nhanh chóng bắt nhịp với vấn đề sinh hoạt online. Cùng với các chức năng và công cụ hỗ trợ trên phần mềm được vận dụng tối đa để tương tác và trao đổi. “Đã có nhiều hoạt động của các CLB được tổ chức online thông qua các cuộc thi, như: Cuộc thi ảnh và cuộc thi thiết kế poster; Squid game; cuộc thi viết về thầy cô; cuộc thi nhảy; cuộc thi nói tiếng Anh; Cuộc thi đọc của CLB tiếng Trung, Thử thách học tập… Các CLB trong trường đều phát huy việc tập hợp các SV yêu thích chung bộ môn tham gia sinh hoạt, tạo sự gắn kết giữa các SV dù không gặp mặt trực tiếp”, anh Thức nói.

Đồng thuận với ý kiến của anh Thức, anh Vòng Quốc Bảo, Chủ tịch Hội SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho biết, lợi thế của trường là kỹ thuật nên các SV trong trường thường xuyên tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT và giành nhiều giải cao. Trường có CLB nghề nghiệp, CLB Nghiên cứu Khoa học, thu hút đông đảo SV tham gia. “Sắp tới, chúng tôi tiếp tục thành lập CLB tiếng Hàn và định hướng SV để các em nâng cao vốn ngoại ngữ, tự tin sau này ra trường làm việc ở môi trường quốc tế”, anh Bảo nhấn mạnh.

Nhằm thể hiện vai trò xung kích của thanh niên, năm 2021, Hội SVVN tỉnh phát động Tuần lễ cao điểm và 2 đợt ra quân tuyên truyền phòng, chống dịch thực hiện Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè với các đội hình Tiếp sức mùa thi, mùa hè xanh, thu hút hơn 4.200 lượt SV tình nguyện tham gia. Các SV trong tỉnh đã cùng nhau tổ chức 12 đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, xây dựng 7 công trình thanh niên, dạy học cho thiếu nhi vùng xa; sửa chữa 5 công trình khu vui chơi thiếu nhi; tổ chức 32 buổi sinh hoạt thiếu nhi; 3 chương trình “Tư vấn tâm lý mùa thi” cho thí sinh. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, Hội SV tỉnh được sự chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh Đoàn, chủ động thành lập 3 đội hình SVTN (Đội truy vết, Đội giao hàng thanh niên, Đội trực chốt), nhanh chóng ứng phó tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Để luôn thu hút SV

Hiện toàn tỉnh có 5.357 SV của 4 trường ĐH, CĐ; tổng số hội viên Hội SV là 3.721 người. Trong bối cảnh thích ứng với diễn biến của dịch COVID-19, Hội SV tỉnh chỉ đạo Hội SV các trường CĐ, ĐH chuyển đổi mô hình hoạt động, từ trực tiếp sang trực tuyến, thích ứng kịp thời trong tổ chức và triển khai các hoạt động của Hội. Các phong trào SV 5 tốt; SV vun đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức; SV học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; SV rèn luyện thể chất; SV hội nhập quốc tế... đều được quan tâm, tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi theo hình thức online..., như: Chỉ đạo Hội SVVN Trường CĐ Sư phạm thí điểm thành lập CLB Lý luận trẻ với 30 thành viên; đăng bài tuyên truyền triển khai cuộc vận động Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, SVVN - những câu chuyện đẹp trên fanpage các CLB, các trường; tổ chức Ngày pháp luật cho SV; tổ chức Diễn đàn nghiên cứu khoa học thu hút gần 3.000 lượt SV  tham gia; tuyên truyền về 5K phòng chống dịch; triển khai cuộc thi “Hand washing dance” (vũ điệu rửa tay) thu hút hàng ngàn lượt SV tham gia...

Đặc biệt, với phong trào SV tình nguyện, thích ứng trong tình hình mới, nhiều phong trào từ cấp tỉnh đến cơ sở đã được triển khai thực hiện, như: Tổ chức thực hiện “Dãy nhà trọ xanh”, sơn sửa nhà trọ cho thanh niên công nhân; tổ chức chương trình “Tết yêu thương” năm 2021 tại Trại giam Xuyên Mộc với các hoạt động trong chương trình, giao lưu giữa gương thanh niên tàn tật, doanh nhân thành đạt, giúp thanh niên tại trại giam có thêm ý chí làm lại cuộc đời; tổ chức chương trình “Bữa cơm cùng Mẹ” tại nhà các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia hiến máu tình nguyện do Tỉnh Đoàn tổ chức, thu được hơn 3.000 đơn vị máu.

“Thời gian tới, Hội SV các trường trong tỉnh cần tiếp tục phát huy tính chủ động, đổi mới để mỗi hoạt động tăng sự hấp dẫn; đẩy mạnh công tác tập hợp SV bằng cách nghiên cứu các mô hình tập hợp SV trên không gian mạng, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào công tác Hội SV. Và cần sáng tạo, chuyên nghiệp hơn nữa để thu hút SV đến với hội nhiều hơn”, chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN tỉnh kết luận tại hội nghị.

Nguồn: Baobariavungtau.com.vn

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Tuổi 18 và những sản phẩm hữu ích vì cộng đồng

Đam mê công nghệ nên từ nhỏ, Cao Thọ Hoàng Long (cựu HS lớp 12A2, Trường THPT Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ) đã thích nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ đời sống. Long và Dương Hồ Chính Tâm (lớp 11A4, Trường THPT Phú Mỹ) vừa giành giải Nhì ở bảng D3 (bảng sản phẩm sáng tạo khối THPT) Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2021 với sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển”.

 
Long và Tâm bên sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển”.

Chiếc gậy thần kỳ...

Tin vui đến với Hoàng Long và Chính Tâm vào cuối tháng 11, khi sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” của 2 bạn đã giành giải Nhì ở bảng D3 (bảng sản phẩm sáng tạo khối THPT) không có giải Nhất trong Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2021. 

Hoàng Long chia sẻ, trong những lần đi tình nguyện tại Trường Khiếm thị Hữu Nghị (TX. Phú Mỹ) để hỗ trợ và giúp đỡ các bạn khiếm thị, Long chứng kiến các bạn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Điều đó đã thôi thúc Long hình thành ý tưởng và chế tạo ra thiết bị có thể giúp người khiếm thị nhận biết được những đồ vật xung quanh, nhận biết người thân và cảnh báo những tác nhân nguy hiểm. Để sáng tạo ra sản phẩm này, Long và Tâm đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Hoàng Long tìm hiểu, nghiên cứu và lập trình sản phẩm trên máy tính. Còn Chính Tâm theo sát quá trình nghiên cứu của Long để chuẩn bị cho bài thuyết trình trước Ban Giám khảo. Ngoài ra, để có được sản phẩm dự thi hoàn thiện, 2 em còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của cô giáo hướng dẫn đề tài.

Sau hơn 3 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” đã hình thành với những tính năng nổi trội và hữu ích, giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong việc di chuyển và sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm có 3 tính năng nổi bật như: Tương tác trực tiếp với người dùng bằng giọng nói. Người dùng có thể hỏi về thời gian, thời tiết; điều khiển A-walk để phát nhạc, phát tin tức trên báo hay ghi lại những thông tin cần thiết và đặt lịch hẹn; điều khiển bật/tắt các thiết bị như đèn, quạt... Chức năng thứ hai là thông báo SOS, môi trường nguy hiểm. A-walk sẽ nhận diện hình ảnh chướng ngại vật trong phạm vi 1,5m đến 3m hay cảnh báo một số yếu tố môi trường nguy hiểm. Chức năng thứ ba là cảnh báo các mối nguy hiểm khi di chuyển. Với các cảm biến được tích hợp trên sản phẩm, khi có dấu hiệu nguy hiểm, chiếc gậy sẽ phát ra âm thanh, nhắc nhở người dùng những điều nguy hiểm sắp gặp phải như: Phía trước bạn là bề mặt trơn trượt; địa hình gồ ghề, có hố sâu hoặc chướng ngại vật...

Khi người dùng bị té ngã hay va chạm trong khi di chuyển, hệ thống sẽ gửi tin nhắn SMS đến người thân để họ biết và xử lý kịp thời. Thiết bị này cũng được Long và Tâm thay thế điều khiển từ sóng bluetooth bằng điều khiển qua sóng wifi, góp phần khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý. Thiết bị đã được thực nghiệm tại Trường Khiếm thị Hữu Nghị và được các thầy cô trong trường đánh giá cao. Giá thành của chiếc gậy cũng khá “mềm”, khoảng 1 triệu đồng, phù hợp với nhiều đối tượng.

 
Hoàng Long được trao giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo và phát triển đô thị 4.0 do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Hoàng Long đang là SV năm thứ nhất, ngành CNTT, Trường ĐH Swinburne Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian học trực tuyến, Long cũng đang ấp ủ nhiều dự án sáng tạo công nghệ khác cũng như cải tiến thêm tính năng cho sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” để sớm bán ra thị trường, kịp thời hỗ trợ cho người khiếm thị. Long đang học thêm tiếng Anh để có thể tự tìm hiểu thêm về kiến thức lập trình ở nước ngoài, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích phục vụ mọi người.
 

Đam mê sáng tạo và "ẵm" nhiều giải thưởng

Ông Cao Minh Tú, ba của Long cho biết: Từ nhỏ, Long đã là cậu bé thông minh, thích quan sát và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Năm lớp 7, Long bắt đầu tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT do thị xã và tỉnh tổ chức. Hầu hết em đều đạt giải cao trong các cuộc thi.

Năm nay, ngoài giải Nhì Hội thi Tin học trẻ toàn quốc, Long còn xuất sắc giành giải Nhất và giải Đặc biệt cuộc thi Ý tưởng sáng tạo và phát triển đô thị 4.0 do Tỉnh Đoàn tổ chức mới đây với ý tưởng B-system “Hệ thống quản lý thùng rác thông minh”. Long chia sẻ: “Các thiết bị được lắp đặt trên thùng rác giúp người quản lý biết được khu nào rác đầy và có kế hoạch di chuyển xe rác đến để xử lý kịp thời, giúp giảm thiểu được thời gian, công sức, chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Ý tưởng của Long sẽ được Tỉnh Đoàn gửi đến các nhà chuyên môn để đưa vào ứng dụng trong thời gian tới.

Nhờ đam mê nghiên cứu, đến nay Cao Thọ Hoàng Long đã có những ý tưởng hữu ích, như: Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas, báo cháy; Ibot-robot hỗ trợ quản lý nhà ở; thiết bị theo dõi nhà yến; Thuyền vớt rác tự động trên sông; Care-bot robot hỗ trợ theo dõi sức khỏe; S-garden thiết bị hỗ trợ dạy học bộ môn trồng cây cho HS...

Cô Mai Thị Công Minh, GV Công nghệ, Trường THPT TX. Phú Mỹ, người hướng dẫn Long và Tâm hoàn thiện sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” nhận xét: “Trong thời gian học THPT, Long đã tham gia nhiều cuộc thi, đặc biệt là Hội thi tin học trẻ toàn quốc. Nhiều nghiên cứu của em có tính hữu ích và khả năng ứng dụng thực tiễn cao, có thể phục vụ tốt hơn cho đời sống”.

Nguồn: Baobariavungtau.com.vn

Trường THPT Phú Mỹ, Thị trấn Phú Mỹ, Huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu

Tiền đề chuyển đổi số đồng bộ ở mọi lĩnh vực

Ngày 22/11, Sở TT-TT tổ chức lễ khai trương tích hợp giải pháp ký số trên nền tảng di động với Cổng dịch vụ công BR-VT. Sự kiện này đưa BR-VT trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước tích hợp dịch vụ này. Đến dự có ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia Bộ TT-TT.

 
Lãnh đạo tỉnh nghe đại diện Viettel BR-VT giới thiệu dịch vụ ký số từ xa.
 

BR-VT tiên phong tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số

Theo ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin - truyền thông, hoạt động giao dịch trực tiếp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được chuyển dần sang phương thức giao dịch mới: giao dịch điện tử. Sự ra đời của giải pháp ký số trên nền tảng di động chính là điều kiện thuận lợi cho mục tiêu phổ biến chữ ký số đến từng người dân, DN, góp phần đảm bảo tính xác thực, an toàn và minh bạch khi người dân tham gia vào các dịch vụ số. Việc đưa các công nghệ mới vào cuộc sống cũng cần bắt đầu từ những dịch vụ cung cấp cho người dân, để người dân trải nghiệm, do đó, việc tích hợp giải pháp này vào dịch vụ công là tiền đề để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số.

“Với sự kiện khai trương tích hợp giải pháp ký số trên nền tảng di động với Cổng dịch vụ công của tỉnh, BR-VT trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiên phong trong việc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa vào cổng dịch vụ công của tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN khi tham gia sử dụng các dịch vụ công của tỉnh”, ông Tuấn nói.

Chữ ký số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi tỉ lệ người dùng các thiết bị di động thông minh tại Việt Nam cao, mức độ và nhu cầu tham gia vào các giao dịch điện tử ngày càng lớn. Tại BR-VT giải pháp chữ ký số trên nền tảng di động đã tích hợp thành công là của các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng VNPT-CA, Viettel-CA và SimPKI của Mobifone.

Theo đại diện Tập đoàn VNPT, việc triển khai hình thức ký số từ xa vừa đảm bảo an toàn bảo mật như chữ ký số sử dụng USB Token, đặc biệt tiện dụng khi có thể sử dụng các thiết bị smartphone, tablet để thực hiện các giao dịch. Điều này sẽ mở ra cơ hội trong triển khai thêm các nền tảng ứng dụng chữ ký số từ xa khác như cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống giao dịch ngân hàng, tài chính, bảo hiểm...

So với hai hình thức ký số khác bằng USB Token và Sim PKI, chữ ký số từ xa là loại hình ký số thuận lợi nhất cho người dùng do không phụ thuộc vào nhà mạng, không phụ thuộc vào thiết bị, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng ký số. Do đó, người dùng có thể sử dụng để ký các giao dịch từ cổng dịch vụ công, hợp đồng điện tử, các tờ khai thuế, hải quan...

 
Bà Rịa – Vũng Tàu đang thực hiện chương trình chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xác định lấy người dân, DN làm trung tâm.
Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tìm hiểu dịch vụ ký số từ xa của VNPT Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện BR-VT đang thực hiện chương trình chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xác định lấy người dân, DN làm trung tâm. Với định hướng đó, việc trang bị cho người dân những kiến thức, công cụ để sẵn sàng tham gia quá trình chuyển đổi số của tỉnh là rất thiết thực. Tỉnh đặt mục tiêu mỗi hộ gia đình đều có cáp quang Internet, 100% người dân đều có thiết bị thông minh, 50% người dân, 100% DN có tài khoản thanh toán điện tử và chữ ký số.

Trong khi đó, theo đại diện của Viettel và MobiFone, việc tích hợp giải pháp ký số trên nền tảng di động với Cổng dịch vụ công BR-VT là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ở hai khía cạnh. Thứ nhất là tiết kiệm tối đa chi phí cho người dùng, đặc biệt là người dùng cá nhân khi thực hiện được nhiều giao dịch điện tử từ xa, với các cấp độ an toàn cao nhất với chỉ một chữ ký số từ xa. Thứ hai là tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, DN có hạ tầng giao dịch điện tử chỉ cần sử dụng một hình thức xác thực giao dịch duy nhất với mức an toàn tối đa, giúp thúc đẩy thương mại điện tử, các giao dịch điện tử...

Bên cạnh đó, trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tiếp xúc, việc ứng dụng chữ ký số từ xa mở rộng cho các DN và cá nhân giúp phát triển các nền tảng giao dịch điện tử từ xa, hạn chế việc gián đoạn hoạt động kinh doanh hiện tại.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia Bộ TT-TT, phát triển chữ ký số từ xa có ý nghĩa rất lớn trong việc số hóa, định danh điện tử cho người dân, thực hiện các thủ tục hành chính công và góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển. Ngoài ra, theo các chuyên gia, với việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, chứng thực bản sao điện tử, định danh điện tử và căn cước công dân điện tử… Chữ ký số sẽ là hình thức bảo đảm danh tính mức độ cao và là một trong những yếu tố hình thành công dân số.

“Việc tích hợp giải pháp ký số trên nền tảng di động với Cổng dịch vụ công BR-VT giúp nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, tăng tính tiện ích và cải thiện lòng tin của người dân khi tham gia vào các giao dịch điện tử. Từ đó, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số và hướng tới mục tiêu hình thành xã hội số tại BR-VT”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

UBND Tinh BR VT, Phường Phước Trung, Thành phố Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu

Cậu học trò với những ý tưởng hữu ích

Là một trong những thí sinh nhỏ tuổi tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm học 2020-2021, nhưng Mai Hoàng Anh Kiệt (HS lớp 7.8, Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) lại xuất sắc “ẵm” liền 2 giải thưởng lớn của cuộc thi. Anh Kiệt là “gương mặt thân quen” tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật và văn hóa với thành tích nổi bật.

2 dự án cùng đoạt giải

Trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm học 2020-2021, Mai Hoàng Anh Kiệt là thí sinh duy nhất đoạt 2 giải thưởng tại cuộc thi này. Anh Kiệt đoạt giải Nhì với dự án “Hệ thống thoát nước chống ngập” và giải Ba với dự án “Tủ đựng đồ thông minh”. Trong đó, “Hệ thống thoát nước chống ngập” là được đi tiếp tới vòng thi cấp quốc gia.

Anh Kiệt chia sẻ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, em được chứng kiến hình ảnh những cơn bão, những trận lũ lụt kéo đến tàn phá mọi thứ. Gần đây nhất là trận lũ ở miền Trung năm 2020 gây thiệt hại nặng nề tới cuộc sống và tính mạng của những người dân. Còn tại TP. Vũng Tàu, những năm gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn, gây ra tình trạng ô tô, xe máy bị chết máy hàng loạt, gây ùn tắc giao thông trong khoảng thời gian dài. Vậy nên, em thực hiện đề tài “Hệ thống thoát nước chống ngập” nhằm giúp người dân có thể giảm bớt thiệt hại khi mưa lũ xảy ra”.

Mô hình “Hệ thống thoát nước chống ngập” gồm 2 cảm biến để đo mức nước biển, sông, hồ… và đo mức nước trong hồ điều hòa; 1 máy bơm để bơm nước từ hồ điều hòa ra biển, sông, hồ; trạm bơm trung gian xử lý nước thải và tăng tốc độ của dòng chảy. Bên cạnh đó, còn có mạch điện tử để giao tiếp giữa các liên kết ngoài, nguồn và cảm biến; hồ điều hòa điều hòa lượng nước cống đã qua xử lý tại trạm bơm trung gian chảy ra và lượng nước biển, sông, hồ… Ngoài ra, hệ thống còn có còi báo động, nắp cống đóng mở bằng thủy lực, nắp cống tự tràn.

Về nguyên lý hoạt động, khi nước biển cao quá mức quy định, hồ điều hòa có nước, nắp thủy lực đóng, máy bơm bơm nước ra biển. Nếu nước biển hạ thấp, hồ điều hòa có nước, nắp thủy lực mở, máy bơm không hoạt động, nước biển và nước trong hồ điều hòa được cân bằng thông qua nắp cống tự tràn. Trường hợp nước biển cao quá mức quy định, hồ điều hòa cạn nước, nắp thủy lực đóng lại, máy bơm không bơm. Còn khi nước biển hạ thấp, hồ điều hòa cạn nước, nắp thủy lực mở, nước biển tràn vào hồ điều hòa và dừng lại khi mực nước biển cao ngang với nắp cống tự tràn. “Em dự định sẽ phát triển hệ thống hiện đại hơn, có thể vận hành hoàn toàn tự động bằng điện thoại, nắp cống tự tràn sử dụng thủy lực”, Anh Kiệt cho hay.

 
Anh kiệt (bìa trái) tại một cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS, SV.

Còn với mô hình “Tủ đựng đồ thông minh”, Anh Kiệt lại “hô biến” chiếc tủ gỗ thông thường thành chiếc két an toàn bằng phương pháp lập trình. Sản phẩm gồm một tủ gỗ, bo mạch vi điều khiển Board Arduino Uno R3 có vai trò truyền nhận dữ liệu, bàn phím ma trận, Module thu phát Bluetooth HC-05 truyền và nhận tín hiệu từ điện thoại qua mạch Arduino, công tắc đảo chiều, mô tơ khóa cửa, còi chip, đèn led, nguồn pin dự phòng.

Anh Kiệt cho hay, khi người dùng nhấn nút “*” trên bàn phím, đèn led xanh dương sáng và bắt đầu nhập mật khẩu. Sau khi nhập mật khẩu xong, người dùng nhấn “#” để kết thúc. Nếu mật khẩu chính xác, đèn led xanh lá sáng, cửa tủ mở, đồng thời gửi tin nhắn đến điện thoại. Nếu mật khẩu sai thì led đỏ sáng, còi chip báo động, cửa tủ vẫn đóng, đồng thời gửi tin nhắn về điện thoại. Anh Kiệt cho biết, tới đây, em sẽ hoàn thiện hệ thống để giám sát lịch sử sử dụng, lắp thêm camera và kết nối hệ thống báo động qua điện thoại di động.

"Anh Kiệt là cậu học trò điềm đạm, chững chạc, sống vui vẻ và hòa đồng với bạn bè. Em là cán sự bộ môn Vật lý gương mẫu, luôn quan tâm và hỗ trợ bạn bè trong học tập. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Anh Kiệt lại là “thủ lĩnh” trong nhóm nghiên cứu khoa học của trường. Kiệt không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng cho bạn bè và các anh chị trong nhóm. Vừa qua, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, các thành viên trong nhóm không thể gặp mặt nhau trực tiếp, nhưng Kiệt đã có một buổi hướng dẫn online rất bổ ích và lý thú về việc chế tạo máy khử khuẩn cho các thành viên trong nhóm."
(Cô Phạm Hồng Nguyên, giáo viên chủ nhiệm của Anh Kiệt năm lớp 6)

Nguồn: Baobariavungtau.com.vn

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

111 dự án tham dự cuộc thi KH-KT cấp tỉnh dành cho HS trung học

Chiều 20/1, tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Sở GD-ĐT đã tổ chức lễ khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho HS trung học năm học 2020-2021.

Các thành viên Ban Tổ chức cuộc thi tham quan các gian trung bày dự án.

Tham dự cuộc thi năm nay có 111 dự án của 211 HS đến từ 33 đơn vị trường THPT và phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố. Các dự án thuộc 18 lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực có nhiều dự án dự thi nhất là: Khoa học xã hội và hành vi (31 dự án). Hệ thống nhúng (20 dự án). Kỹ thuật cơ khí (14 dự án). Kỹ thuật môi trường (11 dự án)…

Cuộc thi diễn ra từ ngày 20-22/1/2021. Các dự án xuất sắc sẽ được lựa chọn để tham dự cuộc thi KH-KT dành cho HS trung học cấp Quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 3/2021 tại TP.Huế.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi trao Cờ lưu niệm cho các đơn vị có dự án tham gia cuộc thi.

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trao Cờ lưu niệm cho các đơn vị có dự án tham gia cuộc thi.

Nguồn: KHÁNH CHI (baobariavungtau.com.vn)

Vũng Tàu, Ba Ria - Vung Tau, Vietnam

Thông tin tuyên truyền

Tin mới

Bí thư Thành uỷ Vũng Tàu lưu ý những việc tuyệt đối không được lặp lại đối với ngành giáo dục

Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Trần Đình Khoa lưu ý những việc “tuyệt đối không được lặp lại” khi làm việc với ngành giáo dục thành phố về triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 vào ngày 10/10.

Ông Trần Đình Khoa chủ trì buổi làm việc với viên chức quản lý giáo dục trên địa bàn TP. Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu về tình hình năm học, Bí thư Thành ủy Trần Đình Khoa nhấn mạnh: TP. Vũng Tàu là địa phương có đầy đủ thiết chế về giáo dục từ MN tới CĐ, ĐH, nhưng cũng là 1 trong những đơn vị có dân số tăng cơ học nhanh nhất. Điều này đã tạo nên áp lực không nhỏ về trường lớp và cho việc chăm lo cho HS trên địa bàn. Ông Khoa chia sẻ với các thầy cô giáo về những áp lực trong công việc, chế độ tiền lương…

Liên quan đến những khó khăn về biên chế GV, ông Khoa cho rằng, không thể vì lộ trình giảm biên chế theo kế hoạch mà không nhìn thẳng vào thực tế thiếu GV. “Đề nghị Phòng GD-ĐT, Phòng Nội vụ tính toán lộ trình tuyển dụng GV. Không vì gánh nặng giảm biên chế mà không dám tuyển dụng thêm GV. Việc thiếu nhân sự gây áp lực lên chính GV, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hệ luỵ khác”, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương nêu lên những khó khăn của ngành giáo dục thành phố trong năm học.

Về việc chậm phê duyệt danh sách HS trái tuyến làm một số HS không được dự khai giảng năm học mới, ông Trần Đình Khoa dứt khoát: “Dự khai trường niềm vinh hạnh của mỗi học sinh. Danh sách HS trái tuyến tới 29/9 mới phê duyệt đã tước đi lễ khai trường của các em. Điều này là không thể chấp nhận. Từ năm học sau, tuyệt đối không được để lặp lại”.

Đối với tình trạng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn khi đã bước vào năm học mới, lãnh đạo thành phố đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đồng thời cam kết không để vấn đề này xảy ra trong năm học tới. Ông Khoa cũng nhắc nhở lãnh đạo Phòng GD-ĐT nếu nhận thấy việc tổ chức lớp không hiệu quả và không sắp xếp được thì phải mạnh dạn từ chối.

Tại buổi làm việc, hấu hết cán bộ quản lý phản ánh thực trạng thiếu GV gây áp lực rất lớn cho các nhà trường.

Riêng việc cấp SGK cho HS dân tộc thiểu số chậm trễ, ông Khoa cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm. Sự việc đã làm mất đi ý nghĩa của một chính sách hết sức nhân văn. Bên cạnh đó, ông Khoa cũng yêu cầu giảm bớt thủ tục hành chính để đơn giản hoá công tác tuyển sinh. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu yêu cầu các cơ sở giáo dục quan tâm hơn nữa công tác giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng...

Nhiều trường MN trên địa bàn thành phố đã phải thực hiện tuyển sinh bổ sung.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT cho biết, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 104 cơ sở giáo dục từ MN tới THCS, tăng 1 trường công lập (Trường THCS Lương Thế Vinh).

Năm học 2023 – 2024, ngành được giao 3.431 biên chế, trong khi biên chế hiện có là 3.060 biên chế, còn 371 biên chế chưa tuyển dụng.

Theo lộ trình, số biên chế cần tinh giản là 344 người. Do đó, số biên chế thực tế còn được tuyển dụng chỉ là 27 biên chế. Hiện nay, nhiều trường MN chưa đủ 2 GV/ lớp.

Bà Hương cho hay, tổng số trường thành lập mới tại TP.Vũng Tàu từ năm học 2021-2022 đến hết năm học 2024-2025 là 10 trường. Tổng số biên chế cho 10 trường mới lên đến 491. Tuy nhiên, biên chế của ngành không những không được giao thêm mà phải tinh giản 376 biên chế. “Trong năm 2023, GV nghỉ việc nhiều, đặc biệt là GV MN”, bà Hương thông tin.

Bà Hương cho biết, đối với những trường thiếu nhiều biên chế, Phòng GD-ĐT đã tham mưu biệt phái 17 GV để giải quyết tình hình cấp bách. Đối với các trường MN không bảo đảm tối thiểu 2 GV/ lớp. Phòng GD-ĐT đã phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu phương án cân đối lại GV toàn cấp. Đối với cấp Tiểu học, THCS đề xuất cân đối điều chuyển GV.

Một giải pháp khác đã và đang triển khai là thực hiện co lớp ở các cấp học để tiết kiệm biên chế và đảm bảo số người làm việc/ lớp/ trường theo quy định.

Phòng GD-ĐT thành phố cũng đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh tăng số lượng phòng học của các dự án trường học xây mới. Đồng thời xem xét, thẩm định, giao bổ sung số lượng người làm việc theo định mức và giao biên chế cho các đơn vị, trường thành lập mới.

Về tuyển sinh đầu năm học, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho hay, nhiều năm nay, ngành giáo dục thành phố đã tiến hành tuyển sinh trực tuyến. Năm học 2023-2024, do bỏ Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú theo Luật cư trú mới, trong khi dữ liệu dân cư chưa đồng bộ, dẫn đến việc tuyển sinh gặp khó khăn, đặc biệt là với bậc học MN.

Ở bậc học này, do chưa có dữ liệu HS đầy đủ nên khi truy cập mã định danh của trẻ trên hệ thống thì nhiều trẻ không có dữ liệu, hoặc dữ liệu chưa khớp với thực tế cư trú.

 Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các phường xã rà soát danh sách trẻ ra lớp và chưa ra lớp phục vụ công tác tuyển sinh. Thành phố đã tuyển sinh 3.335 trẻ /3.771 trẻ vào các lớp MN công lập, chiếm tỷ lệ 88, 44%; tuyển sinh bổ sung trái tuyến được 507 trẻ…

Tại buổi làm việc, ngoài việc nêu lên thực trạng thiếu GV ở hầu hết các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố đã chia sẻ thêm những bất cập trong việc mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn; tình trạng chậm trễ trong cấp SGK cho HS dân tộc thiểu số, phê duyệt danh sách tuyển sinh trái tuyến…

KHÁNH CHI (Theo Báo BR-VT)

12/10/2023 00:00 - 12/10/2023 00:00 1182

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Bổ sung quy hoạch cầu cảng liền bờ 5.000DWT vào bến cảng Vard Vũng Tàu

Ngày 9/10, Bộ GT-VT đã có văn bản chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch cầu cảng liền bờ 5.000DWT vào bến cảng Vard Vũng Tàu.

Bộ GT-VT đã có văn bản chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch cầu cảng liền bờ 5.000DWT vào bến cảng Vard Vũng Tàu

Theo đó, Bộ GT-VT đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng biển, quy hoạch sử dụng đất mặt nước tại địa phương, các quy hoạch chuyên ngành liên quan và quy hoạch chung của khu vực…

Công ty TNHH Vard Vũng Tàu có trách nhiệm triển khai các bước tiếp theo tuân thủ quy định tại Nghị định số 58/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, cùng các quy định về quản lý hoạt động hàng hải, quản lý đầu tư xây dựng và các quy định liên quan của pháp luật; căn cứ điều kiện luồng tàu chính, luồng nhánh vào và khu nước trước bến, điều kiện hành hải tại khu vực, phương án bảo đảm an toàn hàng hải để cân nhắc quy mô, thời điểm đầu tư, cỡ tàu khai thác; tự huy động nguồn vốn để nạo vét ban đầu và nạo vét duy tu khu nước, vũng quay tàu; khai thác đúng công năng bến cảng.

Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, cập nhật thông tin Bến cảng nhà máy đóng tàu Vard Vũng Tàu vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TRÀ NGÂN (Theo Báo BR-VT)

11/10/2023 00:00 - 11/10/2023 00:00 890

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng

Ngày 3/10, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Đại tá Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại tòa nhà PVC-IC Diamond (phường 9, thành phố Vũng Tàu).

Đoàn liên ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở đầu đợt kiểm tra tại tòa nhà PVC-IC Diamond (ảnh: Huy Na).

Đây là tòa nhà với khối đế là trung tâm thương mại dịch vụ và khối căn hộ chung cư gồm 2 Block, với tổng số 486 căn hộ. Đoàn đã tiến hành kiểm tra về hồ sơ xây dựng, việc sử dụng điện và các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH).

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn liên ngành ghi nhận: Công trình được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng và được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng với quy mô 34 tầng, chưa bao gồm tầng hầm và tum thang. Qua kiểm tra thực tế, không ghi nhận thay đổi gì so với thời điểm nghiệm thu. Ban quản trị chung cư đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH tại cơ sở, có 16 thanh viên đã tham gia huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định.

Về sử dụng điện, công trình được cấp 2 nguồn điện và đi âm tường, có aptomat bảo vệ tại từng khu vực, tuy nhiên tại một số khu vực dây dẫn điện chưa có biện pháp bảo vệ.

Tại thời điểm kiểm tra, các đoạn đường xung quanh chung cư ghi nhận nhiều phương tiện xe ôtô đậu, đỗ gây cản trở cho xe chữa cháy tiếp cận khi có sự cố xảy ra. Nguồn và máy bơm nước chữa cháy được đảm bảo đúng quy định.

Chung cư đã ban hành nội quy quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; khi sử dụng các hình thức phát sinh ngọn lửa trần, các thiết bị sinh nhiệt, sinh lửa phải có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong cơ sở. Tại vị trí các kênh, giếng, trục kỹ thuật, mương cáp điện... đi xuyên qua tường, sàn ngăn cháy: Được chèn, bịt nhưng không đảm bảo việc chống cháy lan, chống khói. Trong chung cư có 2 buồng thang bộ thoát nạn có trang bị hệ thống điều áp buồng thang, trên các lối thoát nạn có trang bị đèn chiếu sáng sự cố, tuy nhiên một số đèn chiếu sáng sự cố trong các buồng thang bị hư hỏng và khu vực tầng hầm thiếu đèn chiếu sáng sự cố, thiếu đèn chỉ dẫn thoát nạn.

Ngoài ra, một số hệ thống phương tiện PCCC như: Báo cháy tự động, cấp nước chữa cháy trong nhà, chữa cháy sprinkler tự động và trạm bơm được đảm bảo đúng quy định, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần khắc phục.

Kết luận buổi kiểm tra, Đại tá Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh đại diện Đoàn liên ngành ghi nhận công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ sở là đúng theo quy định, đồng thời đề nghị khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế.

Theo kế hoạch, từ nay đến trước ngày 20/10/2023, Đoàn liên ngành tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra toàn diện về PCCC tại 37 chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn toàn tỉnh.

Anh Tuấn (Theo Cổng TTĐT của Bộ Xây Dựng)

https://baoxaydung.com.vn/ba-ria-vung-tau-tang-cuong-phong-chay-chua-chay-tai-cac-toa-nha-cao-tang-362068.html

06/10/2023 00:00 - 06/10/2023 00:00 910

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

TP.Vũng Tàu tăng tốc các nhiệm vụ cuối năm

Chiều 2/10, UBND TP. Vũng Tàu tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 9 tháng đầu năm và thông qua nhiệm vụ, giải pháp triển khai 3 tháng cuối năm 2023.

Ông Đặng Minh Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (giữa); bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Vũng Tàu và ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của UBND TP. Vũng Tàu, trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chủ động triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

9 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP. Vũng Tàu tiếp tục bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2022.

9 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.050,358 tỷ đồng (bằng 85% dự toán thành phố xây dựng, đạt 75% so với kế hoạch tỉnh giao).

Tỷ lệ giải ngân vốn của TP. Vũng Tàu tính đến 25/9/2023.

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và nhân dân được thành phố chú trọng thực hiện. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh Vũng Tàu với thế giới qua tổ chức TPO được đẩy mạnh; triển khai dịch vụ công trực tuyến được thành phố chú trọng thực hiện; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định...

Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trong 3 tháng cuối năm, xoay quanh các nội dung như: Tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về thu thuế, thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai. Đặc biệt, tập trung rà soát, xử lý vi phạm tại khu vực núi, ven biển và các khu vực phức tạp; bàn giải pháp phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động, sự kiện đặc sắc và chuyển đổi số trong 3 tháng cuối năm; giảm nghèo đa chiều bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…

Tin, ảnh: BẢO KHÁNH (Theo Báo BR-VT)

03/10/2023 00:00 - 03/10/2023 00:00 913

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Lãnh đạo Vũng Tàu kiểm tra trật tự đô thị, xây dựng tuyến phố văn minh

Ngày 27/9, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cùng các phòng, ban chuyên môn tiến hành kiểm tra công tác trật tự đô thị, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị tại các phường 7, 8 và Thắng Tam.

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu trực tiếp kiểm tra trật tự đô thị, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn.

Cụ thể, Đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành đậu đỗ xe, sử dụng lòng đường, vỉa hè trong kinh doanh, buôn bán tại một số tuyến đường như: Nguyễn Tri Phương, Trương Văn Bang (phường 7), Nguyễn An Ninh (phường 8) và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Thắng Tam). Qua kiểm tra, Đoàn ghi nhận trên các tuyến đường vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường để kinh doanh, buôn bán, bỏ rác không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Ông Vũ Hồng Thuấn nhắc nhở các hộ kinh doanh, buôn bán trên đường Nguyễn Tri Phương (phường 7) để xe đúng quy định.

Ông Vũ Hồng Thuấn đã đề nghị UBND phường 7, UBND phường 8 yêu cầu người dân có nhu cầu kinh doanh, buôn bán đăng ký bán tại chợ Năm Tầng hoặc chợ phường 8. Các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường phải xử lý nghiêm để chỉnh trang đô thị, xây dựng tuyến phố văn minh.

Cùng ngày, Đoàn cũng tiến hành kiểm tra quán cơm tấm Hậu (240 Nam Kỹ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam). Theo phản ánh của người dân, quán cơm tấm này đặt lò nướng trên vỉa hè, thường xuyên nướng thịt xả khói, ảnh hưởng đến môi trường của các hộ dân xung quanh và những người tham gia lưu thông khu vực nút giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Hồng Phong.

Ngoài ra, quán cơm còn thường xuyên bày bàn, ghế phục vụ khách ngay tại vỉa hè, lấn chiếm lối dành cho người đi bộ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận, quán đã xây dựng một lò nướng dưới gốc cây thuộc vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với chiều cao ống khói lên đến 6-7m. Khi nướng thịt, toàn bộ khói xả ra đường gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh.

Lò nướng quán cơm tấm Hậu đặt trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Thắng Tam) với chiều cao ống khói lên đến 6-7m.

Đoàn đã lập biên bản và yêu cầu chủ quán phải nhanh chóng tháo dỡ lò nướng khỏi vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Tin, ảnh: QUANG VŨ (Theo Báo BR-VT)

28/09/2023 00:00 - 28/09/2023 00:00 995

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Việt Nam

Phản ánh mới

Phản ánh: Phòng trà kinh doanh quá giờ quy định của pháp luật tại 1B Lê Hồng Phong, Phường 7

Về việc phòng trà Tuấn Hưng số 1B Lê Hồng Phong, chúng tôi xin bổ sung về việc phòng trà này hoạt động quá giờ quy định của pháp luật. Thực sự rất ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khoẻ của dân cư xung quanh. Kính mong cơ quan chức năng can thiệp xử lí kịp thời. Trân trọng

26/10/2023 08:26 Khẩn

TP Vũng Tàu

Phản ánh tiếng ồn lớn về đêm tại khu vực số 1B Lê Hồng Phong, Phường 7

Chúng tôi xin phản ánh tiếng ồn tại phòng trà Tuấn Hưng số 1B Lê Hồng Phong. Tại địa chỉ này, gần một năm nay chúng tôi liên tục gửi phản ánh tới cơ quan chức năng, nhưng sau khi bị xử phạt một thời gian ngắn họ lại tiếp tục. Đây là ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nằm trong khu dân cư, sử dụng loa nhạc công suất cao nhưng không hề có tường, cửa cách âm. Mặc dù đã đóng tất cả các cửa nhưng tiếng nhạc vẫn nghe thấy tiếng nhạc từ các phòng trà này. Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp để họ tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Trân trọng cảm ơn.

26/10/2023 08:25 Bình thường

Lê Lợi, Tp. Vũng Tàu Vũng Tàu

Phản ánh: Phơi cơm tại khu vực bờ biển bãi sau gây mất mỹ quan

phơi cơm tại khu vực bờ biển bãi sau mất mỹ quan

18/09/2023 15:16 Khẩn

16 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Phòng trà, quán nhậu hoạt động khuya gây ồn ào tại khu vực số 1 Lê Hồng Phong, Phường 7

Chúng tôi xin phản ánh khu vực số 1 Lê Hồng Phong thuộc phường 7 có các phòng trà và quán nhậu hoạt động khuya gây ồn ào. Đặc biệt là các phòng trà Tuấn Hưng (Hùng Chinh cũ), kinh doanh phòng trà sử dụng loa với công suất cao nhưng không có tường vách cách âm. Tiếng nhạc lớn vọng tận tới các hộ chung cư đối diện. Buổi sáng sớm tiếng nhạc từ phòng tập 262 Lê Lợi cũng rất to. Sau mỗi lần phản ánh, các cơ sở này chỉ điều chỉnh âm lượng nhỏ một thời gian rồi tiếp tục mở nhạc lớn. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng can thiệp xử lí. Trân trọng cảm ơn.

18/09/2023 15:14 Khẩn

Lê Lợi, Tp. Vũng Tàu Vũng Tàu

Phản ánh: Hộ kinh doanh sửa chữa xe máy lấn chiếm lòng, lề đường. Nuôi thả gia súc, gia cầm gây mất mỹ quan đô thị tại 76 Võ Thị Sáu, Phường Thắng Tam

Gửi Các Cơ quan Chức năng, Hộ kinh doanh sữa chữa xe máy tại địa chỉ 76 đường Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, tp. Vũng Tàu đang gây ảnh hưởng đến môi trường như sau: - Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để giữ xe, sửa chữa xe gắn máy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. - Nuôi và thả tự do đàn chim bồ câu, đàn chó ra khu vực xung quanh; xả chất thải động vật trực tiếp mà không thu dọn, gây mất mỹ quan đô thị. Rất mong các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở và xử lý triệt để!

07/09/2023 09:21 Khẩn

Võ Thị Sáu, P. Thắng Tam Tp. Vũng Tàu Vũng Tàu

Phản ánh: Vật nuôi thả rông không rọ mõm, phóng uế và cắn người đi đường tại Hẻm 220 Ba Cu, Phường 3

hiện nay tại hẻm 220 Bacu, phường 3 thường xuyên xuất hiện 2 con chó của Cửa hàng xe máy Honda Nghĩa không được rọ mõm phóng uế bừa bãi và đuổi theo người đi đường để cắn. Trong hẻm lại có nhiều trẻ nhỏ nên rất nguy hiểm. Đề nghị các cấp quan tâm giải quyết để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra

28/08/2023 14:31 Khẩn

Phường 3, Thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu

Đề xuất về việc lan tỏa hành động bảo vệ môi trường vệ sinh bãi biển cũng như các khu vực dân cư trên địa bàn TP.Vũng Tàu

Tôi xin đề xuất Thành phố Vũng Tàu có nhiều hành động lan tỏa bảo vệ môi trường và làm sạch vệ sinh bãi biển (như video) cũng như các khu vực dân cư xứng đáng vì một thành phố biển du lịch sạch Asian. Tôi xin chân thành cảm ơn

28/08/2023 14:00 Khẩn

Thành phố Vũng Tàu, BRVT, Việt Nam

Phản ánh: Xe oto đậu lấn chiếm vỉa hè tại Đường Lương Văn Nho, trước cổng UBND P9

Đường Lương Văn Nho trước cổng UBND p9 xe oto thường xuyên đậu lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ. Đề nghị các đơn vị chức năng sớm giải quyết

28/08/2023 13:57 Khẩn

TP Vũng Tàu

Phản ánh: Về việc nhóm hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan tại TP.Vũng Tàu

Hiện nay ở TP Vũng Tàu có nhóm NLG hoạt động tuyên truyền những phương pháp phi khoa học , mê tín dị doan . Nhóm này còn cho rằng do truyền năng lượng của họ mới làm sạch được hồ Bầu Trũng . Họ quay lên Youtube khoe thành tích cảnh thiện môi trường Vũng Tàu và cả khu vục ĐNB . Người đứng đầu nhóm này là Đỗ Ngọc Vỹ , địa chỉ 234 Nguyễn An Ninh , TP Vũng Tàu , đt 0933496468, 0936318197 . Mong chính quyền nhanh chóng xử lý việc này , nếu họ có thể làm sạch môi trường , chữa bệnh giỏi hơn cả bác sĩ , nhà khoa học thì tuyên dương họ https://www.youtube.com/live/NIAlHJ4H7f0?feature=share

21/08/2023 09:02 Bình thường

Vung Tau

Phản ánh: Hội nhóm Năng Lượng Gốc Trống Đồng có dấu hiệu lừa đảo tại TP. Vũng Tàu

Phản ánh vi phạm pháp luật của hội nhóm năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam lần 2. Theo VTV: " Bộ Công an đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xác minh thông tin liên quan đến nhóm "Năng lượng gốc" tại Việt Nam tự xưng là chữa được bách bệnh - có dấu hiệu lừa đảo. "Năng lượng gốc Trống đồng Việt Nam" do Lê Văn Phúc lập ra tại Mỹ năm 2016. Quá trình tuyên truyền, chia sẻ về "Năng lượng gốc", Lê Văn Phúc đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng, lợi dụng một số giáo lý để tuyên truyền một số luận điệu mang màu sắc mê tín dị đoan. Nhóm này đã lôi kéo hàng chục ngàn học viên tham gia qua đó thu về một nguồn tiền lớn từ việc bán sách, tổ chức hội thảo ở nước ngoài, bán thực phẩm năng lượng gốc, kêu gọi ủng hộ.. Nguy hiểm hơn, các chiêu trò của nhóm khiến nhiều người bệnh dừng điều trị y tế." Qua đây, tôi đề nghị cơ quan công an Tp. Vũng Tàu mạnh tay đôn đúc và tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc tham gia các hội nhóm này trên các nền tảng mạng xã hội, có nội dung xuyên tạc không đúng sự thật cũng như có các dấu hiệu vi phạm pháp luật mà tôi đã đề cập lần đầu đến VungTauIOC (năm 2021). Tham khảo thêm: https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/dieu-tra-xu-ly-nhom-nang-luong-goc-trong-dong-neu-co-can-cu-vi-pham-phap-luat-i698678/ https://tuoitre.vn/bo-cong-an-xac-minh-thong-tin-nhom-nang-luong-goc-co-dau-hieu-lua-dao-20230630135225838.htm

21/08/2023 09:01 Khẩn

Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG